6 lỗi Marketer cần tránh để không phung phí ngân sách khi chạy quảng cáo trên Facebook
Quảng cáo trên Facebook có thể là một lựa chọn rất tốt trong việc quảng bá thương hiệu, bởi lẽ nó có thể cung cấp rất nhiều lợi ích lớn ở đồng thời cả hai mục tiêu: tăng độ nhận diện thương hiệu và thúc đẩy doanh thu. Dù vậy, không phải toàn bộ chiến dịch quảng cáo Facebook đều được tạo ra một cách giống nhau. Thông thường, thậm chí chỉ với một chiến dịch đơn giản hoàn toàn có thể “đốt” sạch ngân sách quảng cáo Facebook của bạn, tuy nhiên kết quả lại không được như mong muốn.
Cũng giống như bất kỳ nền tảng Marketing nào, yêu cầu của quảng cáo Facebook không chỉ dừng lại ở việc có một nội dung hấp dẫn, hình ảnh bắt mắt (dù hai yếu tố này vẫn cực kỳ quan trọng). Bằng cách tránh được một số lỗi cơ bản, phổ biến khi chạy quảng cáo trên Facebook, Marketer có thể tối đa hóa khả năng thu về được kết quả ưng ý. Trong bài viết này sẽ giới thiệu đến bạn đọc 6 lỗi phổ biến nhất khi chạy quảng cáo trên Facebook cần né tránh.
1. Chạy quảng cáo mọi thời điểm
Với những dạng quảng cáo truyền thống như TV hay đài radio, không ai chạy cùng một quảng cáo từ sáng tới đêm. Nếu không thiết lập một giới hạn về tần suất xuất hiện của quảng cáo, doanh nghiệp có thể “gây ngộp thở” tới nhóm khách hàng mục tiêu của mình.
Trên thực tế, một nghiên cứu của The Drum đã chỉ ra rằng, khách hàng sẽ bắt đầu thấy “chán” với một chiến dịch quảng cáo sau 3 ngày kể từ lúc chiến dịch bắt đầu. Một trong những cách tốt nhất để tránh được việc này là đặt ra một lịch trình cụ thể cho chiến dịch quảng cáo trên Facebook.
Điều này sẽ cho phép doanh nghiệp chỉ hiển thị quảng cáo của mình trong thời gian nhất định trong ngày, hoặc vào thời điểm thích hợp nhất với nhóm khách hàng tiềm năng của mình. Bằng cách tiếp cận khách hàng vào thời điểm họ có khả năng mua nhiều hơn và giảm thiểu rủi ro bị “ngộp” thông tin quá mức, doanh nghiệp sẽ cải thiện của mức độ phản hồi với chiến dịch quảng cáo.
2. Trang đích không phù hợp
Một quảng cáo Facebook hấp dẫn mới chỉ giúp doanh nghiệp giải quyết được một nửa bài toán, nửa còn lại là việc doanh nghiệp sẽ đưa khách hàng của mình đến đâu sau khi họ nhấp vào xem quảng cáo.
Với hầu hết các thương hiệu, quảng cáo của họ sẽ điều hướng khách hàng tới trang đích, đây sẽ là nơi để doanh nghiệp thực hiện lời hứa về quảng cáo ban đầu của mình và cung cấp những nội dung thu hút sự quan tâm của khách hàng. Không may thay, đã có rất nhiều trường hợp các Marketer “bỏ lỡ” ở bước này. Một số Marketer sẽ chạy một chương trình khuyến mãi cho một sản phẩm cụ thể, chỉ để dẫn người dùng tham gia thông qua một trang chủ chung – hoặc thậm chí là một ưu đãi hoàn toàn khác.
Các khách hàng tiềm năng sẽ nhấp vào quảng cáo của bạn bởi vì chúng cung cấp những giá trị hứa hẹn tương thích với nhu cầu của họ. Nếu phần thông tin, nội dung, hình ảnh ở trang đích không đúng với những gì hiển thị ở quảng cáo đã hứa hẹn, chắc chắn khách hàng sẽ thoát ra ngay lập tức và chi phí Marketing đã bị bỏ phí hoàn toàn. Chính vì vậy, doanh nghiệp cần đảm bảo rằng trang đích cần tương thích với quảng cáo của mình. Đây là một nền tảng cơ bản để gia tăng hiệu suất quảng cáo Facebook.
3. Liên tục chỉnh sửa chiến dịch quảng cáo
Facebook có thể là một nền tảng tuyệt vời và mạnh mẽ để thực hiện Marketing, tuy nhiên nó không đồng nghĩa rằng chiến dịch quảng cáo của bạn sẽ luôn mang về kết quả thành công mỹ mãn. Hệ thống quảng cáo của Facebook sử dụng machine learning (học máy) để tối ưu hóa, nhằm mang lại kết quả tốt nhất. Tuy nhiên, để có thể tối đa hóa hiệu suất, hệ thống này cần thời gian để đo lường phản hồi của người dùng, sau đó đưa ra những chỉnh sửa phù hợp. Facebook từng đưa ra giải thích rằng quá trình này là “giai đoạn thu thập và học hỏi”, trong đó nó sẽ thu thập và đánh giá các hiệu suất ban đầu.
Một nghiên cứu từ KlientBoost đã chỉ ra rằng, với hầu hết các chiến dịch quảng cáo trên Facebook sẽ cần tối thiểu từ 24 – 48 tiếng đồng hồ để thu thập đủ dữ liệu và tối ưu hoàn toàn việc lan truyền quảng cáo. Các Marketer thường chạy các chiến dịch ngắn hoặc thiếu kiên nhẫn và thực hiện chỉnh sửa chỉ sau vài tiếng khi quảng cáo được thiết lập sẽ không bao giờ đạt được tới giai đoạn này.
Hệ quả sẽ là chiến dịch sẽ tiêu tốn rất nhiều ngân sách Marketing mà quảng cáo không được tối ưu, khiến cho kết quả thu về không hề khả quan. Việc đưa ra thay đổi là điều dễ hiểu với Marketer nói riêng và doanh nghiệp nói chung, bởi lẽ về lý thuyết thì ngân sách của bạn đang bị lấy đi từng chút một qua thời gian. Dù vậy, việc kiên nhẫn chờ đợi là điều nên làm nếu có khả năng. Hoặc Marketer có thể chạy các chiến dịch theo các giai đoạn đã đặt trước, để đảm bảo rằng bạn sẽ thu về các phản hồi tối ưu nhất.
4. Không kích hoạt quy tắc tự động của Facebook
Ngay cả với các chiến dịch tốt nhất cũng sẽ trở nên kém hiệu quả qua thời gian, và nếu doanh nghiệp không có đủ khả năng để liên tục kiểm tra và điều chỉnh kết quả, chắc chắn bạn có thể rơi vào tình trạng bỏ sót các vấn đề cốt lõi. Chính điều này có thể khiến cho mức chi phí cho mỗi lần thu hút khách hàng bị đội lên đáng kể và “ngốn” đi rất nhiều ngân sách Marketing của bạn. Để tránh được điều này, doanh nghiệp cần phải tận dụng tính năng mới nhất của Facebook có tên gọi: Facebook’s Automated Rules (Quy tắc tự động).
Cụ thể, tính năng này sẽ cho phép Marketer tự động tắt một chiến dịch hoặc một quảng cáo, hoặc điều chỉnh ngân sách cho chiến dịch hoặc đấu giá, dựa trên các điều kiện được thiết lập sẵn. Sau khi tạo ra quy tắc tự động trong phần Quản lý quảng cáo, tính năng này sẽ tự động kiểm tra các chiến dịch, thiết lập quảng cáo và cập nhật, cũng như thông báo cho bạn nếu xảy ra bất kỳ sự thay đổi nào. Ngoài ra, công cụ này còn có thể tự động thực hiện các hành động cần thiết cho chiến dịch thay cho bạn.
Quy tắc tự động của bạn có thể bao gồm ngưỡng về chi phí cho mỗi lần để có được khách hàng mới (cost per acquisition), số lần hiển thị (impressons), chi tiêu hàng ngày và hơn thế nữa. Ngoài ra, như đã đề cập ở trên, doanh nghiệp có thể cho phép Facebook tự đưa ra các điều chỉnh phù hợp. Dù vậy, nhiều chuyên gia trong lĩnh vực chạy quảng cáo khuyên rằng nên để Facebook gửi thông báo và tự mình đưa ra các chỉnh sửa khi cần thiết. Nhờ vậy, doanh nghiệp vẫn có thể đảm bảo duy trì được quyền kiểm soát nhưng không cần phải liên tục kiểm tra khi đã có Facebook làm hộ công việc này.
5. Duy trì quảng cáo tới những khách hàng đã chuyển đổi
Remarketing (Tái tiếp thị) có thể mang lại rất nhiều lợi ích, tuy nhiên doanh nghiệp không nên tiếp tục gửi quảng cáo tới những người đã nhấp xem nó từ trước. Nếu đã có khách hàng được chuyển đổi và là kết quả của việc nhìn thấy quảng cáo của bạn, họ chắc chắn sẽ không muốn nhìn thấy quảng cáo đó thêm lần nữa. Để tránh được điều này, hãy đảm bảo rằng bạn đã loại đi những người đã mua sản phẩm từ quảng cáo trong một tháng trước. Việc này có thể điều chỉnh trong mục thiết lập đối tượng khách hàng mục tiêu. Thông qua việc này, doanh nghiệp có thể đảm bảo rằng các quảng cáo sẽ tiếp cận tới những khách hàng mới – những người có tiềm năng để trở thành người mua hàng, đồng thời không gây phiền nhiễu tới những khách hàng đã biết về thương hiệu từ trước.
6. Không thử nghiệm các định dạng quảng cáo mới
Mỗi khách hàng đều khác biệt, đồng nghĩa rằng cách phản hồi và tương tác của mỗi người cũng sẽ khác nhau với các dạng quảng cáo khác nhau. Đã có quá nhiều trường hợp về các thương hiệu dồn hết ngân sách Facebook Marketing của mình cho các dạng quảng cáo truyền thống như quảng cáo trên News Feed hay quảng cáo hiển thị ở cột bên phải trên Facebook, trong khi đó họ có thể lựa chọn tạo ra những chiến dịch quảng cáo tiềm năng hơn, hấp dẫn hơn, thông qua việc thử nghiệm với các dạng quảng cáo, nội dung mới như là video hoặc ảnh GIF.
Trong một case study từng được Facebook chia sẻ, thương hiệu Champs Sports đã tăng lợi nhuận trên chi tiêu quảng cáo bằng cách sử dụng định dạng quảng cáo video dài 6 giây thay vì quảng cáo 30 giây. Cụ thể, dạng quảng cáo video 6 giây đã mang về những kết quả như:
- Tăng 11% trong tỷ lệ gợi nhớ quảng cáo ước tính;
- Tăng 12% lợi nhuận trên chi tiêu quảng cáo;
- Tăng 271% trong tỷ lệ xem hết video.
Qua đó, chứng minh rằng định dạng quảng cáo video là phù hợp nhất trong việc tạo ra kết quả cho thương hiệu này. Cũng nhờ định dạng quảng cáo này mà nhiều chỉ số quan trọng khác cũng đã có sự cải thiện đáng kể như là: Tỷ lệ chuyển đổi, giá trị trung bình của một đơn hàng, tỷ lệ nhấp chuột.
Có thể nói rằng, nếu không thực hiện phương pháp kiểm định A/B cho các định dạng quảng cáo khác nhau, đồng nghĩa những Marketer chạy quảng cáo trên Facebook chỉ đang “ném tiền qua cửa sổ” mà thôi. Họ cần phải tìm ra định dạng quảng cáo hiệu quả nhất với nhóm khách hàng mục tiêu của mình, qua đó tạo ra được hiệu quả tối đa với ngân sách Marketing sẵn có.
Tạm kết
Như đã nói, Facebook marketing có thể trở thành nhân tố “bom tấn” cho hoạt động quảng bá của doanh nghiệp và thương hiệu, nhất là khi nền tảng này liên tục cho ra mắt nhiều tính năng mới như là quảng cáo tìm kiếm, quảng cáo ở giữa video.
Tuy nhiên, bất kể Marketer lựa chọn sử dụng các tính năng quảng cáo mới, hay vẫn trung thành với các định dạng truyền thống, điều quan trọng là họ cần hiểu cách mà nền tảng này vận hành và hoạt động. Thông qua việc tối ưu chiến dịch quảng cáo Facebook cho khách hàng của mình, doanh nghiệp có thể tự tin rằng quảng cáo đó sẽ tiêu số lượng tiền vừa đủ trong ngân sách, nhưng vẫn đáp ứng được các nhu cầu về thông điệp, nội dung và mang về những kết quả thật sự.